Khép lại năm 2023, ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam đã trải qua một năm nhiều biến động. Đối mặt với những khó khăn không nhỏ từ kinh tế trong và ngoài nước, thị trường vật liệu xây dựng, bao gồm tấm thạch cao đã phải nhanh chóng thay đổi, thích nghi theo làn sóng đầu tư công cũng như nhu cầu mới của xã hội. Hãy cùng Yoshino Gypsum điểm qua những sự kiện của ngành vật liệu xây dựng trong năm 2023 để hiểu rõ hơn về hướng đi và tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt về thị trường tấm thạch cao trong tương lai.
Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam. Một mặt, nền kinh tế thế giới liên tục có nhiều bất ổn từ tàn dư đại dịch dẫn đến tổng cầu suy giảm, lạm phát cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, nợ công tăng kỷ lục… Thêm vào đó, chiến tranh kéo dài giữa Nga – Ukraine cùng các hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai đã góp phần gây ra những tác động tiêu cực đến toàn bộ hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.
Trong nước, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả của đại dịch để lại. Do là nền kinh tế mở và có nhiều yếu tố phụ thuộc vào thị trường quốc tế, Việt Nam phải thường xuyên đối mặt với các vấn đề biến động giá cả, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, hoạt động xuất nhập khẩu bị mất cân bằng, lĩnh vực đầu tư sụt giảm... Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngành vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản nói riêng cũng gặp không ít vướng mắc, nhất là trong giai đoạn đầu năm 2023.
Trong nửa đầu năm 2023, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam liên tục gặp khó khăn chồng chất. Sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, sự trầm lắng của thị trường bất động sản, cùng với những rắc rối pháp lý trong các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân đã làm chậm tiến độ khởi công, ảnh hưởng đến sức cầu của thị trường vật liệu xây dựng. Đầu ra chưa có, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao tạo áp lực lên giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến doanh thu trong ngành. Điều này dẫn đến việc giá thép nội địa phải điều chỉnh giảm tới 8 lần liên tiếp trong vòng 2 tháng (giai đoạn giữa tháng 4 đến cuối tháng 5) để kích cầu trong nước, trong khi các doanh nghiệp sản xuất xi măng liên tục báo cáo doanh thu âm vì ế ẩm.
Tuy nhiên đến giai đoạn cuối năm 2023, khi các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ và thúc đẩy thị trường được tiến hành rộng rãi thì thị trường vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực đầu tư công, bất động sản đã có những dấu hiệu khởi sắc và khả quan hơn.
Theo báo cáo tổng kết năm 2023, GDP ngành xây dựng đạt khoảng 7,5%, vượt chỉ tiêu so với dự kiến, tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị đạt 53,9%, tương đương 902 đô thị trên cả nước. Các địa phương cũng đã khởi công được số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 10 dự án với tổng số khoảng 19.853 căn. Bên cạnh đó, các hoạt động giao dịch bất động sản tại chung cư, phân khúc đất nền trở lại sôi nổi hơn, nguồn cung dự án mới cũng được giao dịch nhiều hơn so với trước đó.
Ngoài ra, các dự án đầu tư công trọng điểm cũng được đôn đốc, thúc đẩy và góp phần tạo điều kiện cho ngành vật liệu xây dựng được hồi phục mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong 2 tháng cuối năm 2023.
Đầu tiên phải kể đến là dự án sân bay quốc tế Long Thành, một trong những dự án trọng điểm của cả nước với mục tiêu 25 triệu hành khách và vận chuyển 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Hiện nay mặc dù có một số công trình còn chậm tiến độ, nhưng nhìn chung dự án vẫn đang được đốc thúc hoàn thiện giai đoạn 1 và dự kiến đến năm 2025 sẽ đi vào hoạt động, chuẩn bị cho giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn.
Tiếp đến là dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đang được triển khai giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng với tốc độ nhanh để kịp bàn giao vào cuối năm 2025. Dự án này là một phần trong hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với tổng chiều dài khoảng 111km và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 27 nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là cầu nối tăng cường giao thông và phát triển kinh tế - xã hội giữa cả nước và các tỉnh ĐBSCL.
Song song với việc đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án bất động sản, đầu tư công vào cuối năm, thị trường thép cũng có những dấu hiệu khả quan về sản lượng tiêu thụ. Cụ thể tính luôn quý III năm 2023, ngành thép cả nước ghi nhận tiêu thụ 6,5 triệu tấn, tăng khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, tăng 70%,... Trong thời gian tới, các chuyên gia trong ngành dự báo giá thép trong nước sẽ được phục hồi theo làn sóng đầu tư công, bên cạnh các kỳ vọng về việc mở rộng xuất khẩu thép trên thị trường quốc tế.
Tương tự thép, ngành xi măng cũng có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của ngành xi măng vẫn chưa giải quyết các khó khăn đầu vào lẫn đầu ra của thị trường. Trong hơn 11 tháng năm 2023, sản xuất xi măng giảm 12% và tiêu thụ trong nước giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt với việc giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa. Để vượt qua thử thách này, ngành xi măng đang trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ như giảm thuế, thúc đẩy hoạt động đầu tư công, cơ sở hạ tầng xây dựng nhiều hơn trong năm 2024.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa có thuận lợi và thách thức đan xen, thị trường tấm thạch cao năm 2024 được dự đoán có nhiều triển vọng phát triển, mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất tấm thạch cao và đội ngũ thầu thợ thi công.
Theo báo cáo tổng kết ngành xây dựng năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành và nội thị đạt 42,7%, tỷ lệ đô thị hóa tính trên cả nước đạt 53%,cả 2 đều vượt mức dự kiến đề ra. Tốc độ phát triển của các đô thị hiện đại, đặc biệt tại 2 khu vực trọng điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có yếu tố quyết định cho sự phát triển của các loại vật liệu không nung. Vì theo thông tư 13/2017/TT - BXD thì các công trình xây dựng đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội phải sử dụng 100% vật liệu không nung, các nơi khác từ 9 tầng trở lên thì tỷ lệ này là 80% nhằm mục tiêu giảm tải ô nhiễm không khí, góp phần vào việc bảo vệ môi trường Trái Đất.
Hiện nay, mức độ tiêu thụ tấm thạch cao tại Việt Nam là 1,2m2/người/năm. Trong khi đó tại các nước Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, tỷ lệ tiêu thụ tấm thạch cao lên đến 10 - 12m2/người/năm, tại Thái Lan là 5m2/người/năm, Hàn Quốc là 6m2/người/năm. Những con số này chứng tỏ thị trường vật liệu tấm thạch cao cho 100 triệu dân tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng và bứt phá.
Bên cạnh đó, việc cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP28 ngày 01/12/2023 về mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính cũng là yếu tố thuận lợi để ứng dụng rộng rãi vật liệu không nung trong ngành xây dựng. Trong đó, tấm thạch cao được đánh giá là vật liệu xanh, có độ bền cao, thân thiện với môi trường sẽ là ưu tiên lựa chọn cho các công trình xây dựng từ nhà ở dân dụng đến các khu công nghiệp, trung tâm thương mại có quy mô lớn.
Trong những năm gần đây, tấm thạch cao đã trở thành một phần không thể thiếu trong các công trình trang trí nội thất. Với những ưu điểm nổi bật như trọng lượng nhẹ, dễ thi công, tấm thạch cao không chỉ giúp giảm áp lực phần móng nhà mà còn tạo nên sự tiện nghi và thẩm mỹ cho hệ trần và vách ngăn. Đặc biệt đối với nhu cầu xây dựng và thị hiếu hiện đại của người tiêu dùng như ngày nay, tấm thạch cao Nhật Bản đến từ thương hiệu Yoshino Gypsum đã không ngừng cải tiến và đáp ứng hầu hết các tiêu chí về chất lượng, an toàn và giá thành phù hợp. Bên cạnh đó, tấm thạch cao Yoshino còn có các chức năng hữu ích như chống ẩm mốc, chống cháy, làm sạch không khí nhằm đem đến không gian sống an toàn, thoải mái cho mỗi gia đình mà không phải thương hiệu nào cũng làm được.
Vậy nên, mặc dù vẫn còn có những rào cản và ngộ nhận của người tiêu dùng về tấm thạch cao. Tuy nhiên so với vật liệu truyền thống như gạch nung, gỗ, nhựa gây ô nhiễm môi trường như hiện nay, việc thay thế vật liệu thân thiện và có nhiều tính năng như tấm thạch cao vẫn được xem là xu hướng tất yếu và bền vững trong tương lai.
Nhìn chung, ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nơi các vật liệu bền vững và an toàn với môi trường không chỉ là xu thế mà còn là mục tiêu quan trọng cho toàn ngành và nền kinh tế của quốc gia. Sự phát triển này không chỉ góp phần vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, mở ra hướng đi mới cho ngành xây dựng trong tương lai.
Tương lai năm 2024 và những năm tiếp theo, thị trường tấm thạch cao sẽ có nhiều cơ hội bứt phá và tăng trưởng. Triển vọng về vật liệu tấm thạch cao được dự đoán sẽ góp phần không nhỏ cho ngành vật liệu xây dựng, đồng thời mở ra chương mới và đem lại nhiều giá trị cho sự tăng trưởng bền vững chung của Việt Nam.
* Nguồn tài liệu tham khảo trong bài viết
1. Tài liệu phục vụ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng - 21/12/202 - CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ XÂY DỰNG.
2. Ngành xi măng trước áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra - 14/12/2023 - Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
3. Những điểm nhấn kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2023 - Triển vọng năm 2024 - 12/12/2023 - TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG.
4. Tín hiệu phục hồi từ ngành thép Việt Nam - 07/11/2023 - Báo Nhân Dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
5. Thông tư 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
YOSHINO GYPSUM
Yoshino Gypsum là hãng sản xuất tấm thạch cao đến từ Nhật Bản, có lịch sử khởi nghiệp hơn 120 năm. Với tốc độ sản xuất hàng đầu thế giới, chúng tôi luôn tự hào là đơn vị không chỉ ưu việt về trình độ sản xuất mà còn dẫn đầu về công nghệ và kỹ thuật.