Để sở hữu một không gian đẹp, thiết kế nội thất không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp đồ đạc mà còn đòi hỏi sự phối hợp hài hòa về màu sắc, ánh sáng và tư duy thẩm mỹ theo phong cách gia chủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ cách sắp xếp nội thất sao cho hợp lý, dẫn đến việc không gian sống trở nên rối mắt, lộn xộn và gây ra những cảm xúc tiêu cực.
Nếu nhà bạn đang gặp tình trạng như trên, hãy cùng Yoshino Gypsum Việt Nam tìm hiểu các nguyên tắc thiết kế nội thất hợp lý và những lưu ý cần tránh, giúp tổ ấm của bạn hoàn hảo hơn qua bài viết dưới đây nhé.
Nội thất là tập hợp các vật dụng cần có trong nhà như sofa, bàn ghế, tủ, giường, kệ và nhiều hơn thế nữa. Việc sắp xếp các món đồ nội thất đúng vị trí, đúng công năng sử dụng mang lại nhiều lợi ích cho ngôi nhà:
Tạo không gian gọn đẹp: Thiết kế nội thất hợp lý giúp không gian trở nên gọn gàng, sạch sẽ, đồng thời mang lại vẻ đẹp hài hòa cho toàn bộ ngôi nhà.
Thuận tiện trong việc sử dụng nội thất hàng ngày: Khi các món đồ nội thất được sắp xếp hợp lý, bạn sẽ không phải loay hoay tìm kiếm đồ đạc hay mất nhiều thời gian di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Tạo năng lượng tích cực cho gia đình, giúp giảm căng thẳng, giảm thiểu xung đột và mang lại sự thư thái về tinh thần khi chúng ta trở về nhà sau một ngày làm việc, học tập.
Tùy theo diện tích phòng và cách thiết kế phù hợp, gia chủ hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp nội thất hợp lý và mang đến không gian sống chất lượng cho gia đình. Sau đây là các nguyên tắc sắp xếp nội thất và những lưu ý mà gia chủ có thể tham khảo.
Phòng khách là không gian đón tiếp khách, có diện tích và chiều cao lớn nhất trong nhà. Nếu chiều cao bị hạn chế, gia chủ có thể sơn trần nhà màu sáng hơn tường và sàn để tạo cảm giác rộng rãi và thoáng đãng hơn. Phòng khách nên được thiết kế liên thông với phòng bếp - ăn để tăng diện tích sử dụng và tăng cường thông thoáng.
Trong nội thất phòng khách, bộ sofa nên có kích thước chiếm khoảng 30 - 40% diện tích phòng, và chiều cao bàn sofa nên tương đương với chiều cao phần ngồi của ghế.
Có ba cách bố trí sofa phổ biến:
- Kiểu quy tụ, tập trung: Ghế sofa sẽ được đặt xung quanh bàn nước để mọi người hướng vào, giúp tăng sự gắn kết các thành viên trong gia đình.
- Kiểu đối diện: Ghế sofa băng đặt đối diện với ghế sofa đơn hoặc các ghế sofa đơn khác đối diện nhau, ở giữa là bàn trà chính và có thể bàn trà phụ để tăng tính thẩm mỹ.
- Kiểu giáp tường: Sofa bố trí theo kiểu giáp tường là cách bố trí thường gặp nhất ở các gia đình Việt Nam vì nó giúp tiết kiệm diện tích, phù hợp với các căn hộ chung cư vừa và nhỏ.
Đối với vị trí đặt TV cần trang trí đơn giản, tránh các vật liệu nhiều họa tiết hoặc sáng bóng gây mỏi mắt. Nếu treo TV trên tường, cần che giấu dây điện và dây nối giữa TV và các thiết bị phụ trợ. Điểm chính giữa màn hình TV nên cách mặt sàn từ 1.1m đến 1.3m.
Khoảng cách chỗ ngồi xem TV thay đổi tùy theo độ lớn của màn hình
Một số lưu ý về nội thất phòng khách
- Tránh đặt sofa ở vị trí có thể nhìn thẳng vào bồn rửa bếp hoặc cửa phòng vệ sinh
- Khu vực tiền phòng nên có tủ để giày dép, mũ bảo hiểm, ô, áo mưa giúp giữ cho khu vực cửa chính gọn gàng và sạch sẽ
- Tủ giày cần có khả năng thông hơi để thoát mùi và tránh ẩm mốc
- Có thể sử dụng vách ngăn nhẹ như vách thạch cao, vách nan gỗ, vách CNC, kệ trang trí, bàn đảo bếp hoặc quầy bar để ngăn cách phòng khách và bếp
Phòng bếp - ăn được xem là trái tim của một gia đình, là nơi gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình. Để không gian bếp luôn gọn gàng và dễ dàng thao tác, gia chủ cần bố trí vật dụng nội thất theo dây chuyền công năng: tủ lạnh - khu sơ chế và bồn rửa - bếp nấu.
Ba khu vực chứa thực phẩm, chậu rửa và khu nấu sẽ tạo thành một hình tam giác, giúp tối ưu hóa không gian và thuận tiện cho việc di chuyển. Tổng chiều dài của ba cạnh tam giác này nên từ 5.5m đến 6m đối với bếp bố trí song song, có đảo, hình chữ L, U hoặc G. Nếu bếp chỉ có một phía, chiều dài tủ bếp nên tối thiểu là 3m.
Một số lưu ý khi sắp xếp nội thất tại phòng bếp
Bếp và bàn ăn nên bố trí gần nhau để tiện cho việc bày biện và dọn dẹp.
Bàn đảo bếp có thể dùng làm khu vực sơ chế nhẹ hoặc khu ăn nhanh.
Theo quan điểm phong thủy, bếp nấu không nên đặt dưới đầu giường hoặc nhà vệ sinh tầng trên, không nên hướng về phía cửa nhà vệ sinh.
Bếp nấu cũng không nên gần cửa sổ do dầu mỡ bắn lên khung cửa khó vệ sinh, và gió có thể làm mùi thức ăn bay ngược vào trong nhà.
Với bếp của người châu Á, không nên đặt bếp nấu tại bàn đảo bếp giữa nhà do tính chất nấu nhiều món chiên, xào
Riêng với thiết kế tủ bếp thì khoảng cách từ bếp đến bàn đảo bếp cần đủ cho 1 người di chuyển thoải mái tránh được người đang đứng thao tác tại bếp cụ thể từ 0.75m đến 1,2m, chiều cao bàn đảo thiết kế bằng chiều cao bàn bếp. Bên cạnh đó, khoảng không giữa tủ bếp và trần cần bố trí thêm khoang tủ để đồ ít sử dụng hoặc che bằng vách thạch cao để đỡ bụi bẩn, đồng thời giúp che hệ thống ống hút mùi (nếu có).
Phòng ngủ là không gian nghỉ ngơi và thể hiện tính cách cá nhân của từng thành viên trong gia đình. Thiết kế phòng ngủ phụ thuộc vào số lượng thành viên, quan hệ giới tính, lứa tuổi, cấu trúc của từng gia đình.
Chiều cao trần phòng ngủ tiêu chuẩn có kích thước từ 2.7m - 2.8m và nên được thiết kế kiểu trần thạch cao giúp che khuyết điểm, tăng tính thẩm mỹ trong căn phòng. Diện tích dành cho đồ đạc trong phòng ngủ nên chiếm 40% - 45% diện tích phòng và ưu tiên cửa sổ thoáng, ban công hoặc logia.
TV trong phòng ngủ nên đặt cách sàn 1.3~1.5m. Phòng cho trẻ em hoặc cho khách, người giúp việc không nhất thiết bố trí vệ sinh riêng và Tivi.
Một số lưu ý về vị trí đặt nội thất phòng ngủ cần tránh
Đầu giường ngủ không tiếp xúc với tường nhà vệ sinh, bếp
Đầu giường không ở ngay hướng cửa ra vào, không đối diện cửa phòng vệ sinh
Gương không đặt đối diện giường ngủ
Giường đôi hạn chế đặt sát tường
Ngoài ra về kích thước giường thực tế bao gồm đệm và thành giường, chiều cao mặt giường (khi có đệm) là 0.35m - 0.5m. Tủ quần áo nên cao sát trần (từ 2m trở lên) với các hộc chứa đồ phía trên.
Ngày nay, phòng vệ sinh không chỉ là không gian phụ mà còn là nơi nâng cao chất lượng cuộc sống với đầy đủ tiện nghi và thiết bị hiện đại.
Phòng vệ sinh thường được chia thành khu vực khô (bồn rửa mặt, bồn cầu) và khu vực ướt (bồn tắm, tắm đứng), ngăn cách bằng vách kính. Diện tích tối thiểu từ 2m² - 9m², chiều rộng không nhỏ hơn 1.2m, chiều cao tính từ mép bồn cầu trở lên không nhỏ hơn 1.8m. Nếu có cửa sổ, thành cửa sổ nên cách sàn từ 1.2m trở lên.
Các thiết bị vệ sinh nên bố trí trên một mặt tường để tiện đi ống cấp và thoát nước.
Phòng vệ sinh nhỏ nhưng cần chứa nhiều đồ như khăn tắm, giấy vệ sinh, mỹ phẩm. Nên tận dụng các vị trí dưới chậu rửa hoặc phía trên bồn cầu để làm giá hoặc tủ chứa. Gia chủ cũng cần bố trí các ổ cắm điện cho các thiết bị như bồn cầu và sen tắm thông minh, đèn sưởi, máy sấy tóc. Ổ cắm cần bố trí cao hơn mặt sàn, chịu được hơi nước hoặc có nắp đậy để đảm bảo an toàn.
Một số lưu ý về cách thiết kế và sắp xếp nội thất phòng vệ sinh
Cửa phòng vệ sinh không hướng trực tiếp ra bếp, bàn ăn, phòng khách, đầu giường ngủ, khu thờ cúng
Cửa phòng vệ sinh không mở thẳng vào vị trí bồn cầu
Trần nhà cần sử dụng tấm thạch cao chịu ẩm để tránh nấm mốc và nên có quạt hút mùi
Tường và sàn nên sử dụng gạch ốp màu sáng đem lại cảm giác rộng rãi, sạch sẽ.
Gạch lát nền có khả năng chống trơn trượt, chịu được tác động của hóa chất tẩy rửa.
Thiết kế phòng thờ đẹp, hài hòa giúp tăng tính thẩm mỹ và mang lại nhiều tài lộc, may mắn. Thay vì đặt phòng thờ ở nơi cao nhất hoặc dành riêng một phòng để thờ cúng, gia chủ hoàn toàn có thể kết hợp phòng thờ và phòng khách để không gian thờ cúng luôn ấm áp và tiện cho việc hương khói.
Phòng thờ có thể chia thành 3 kiểu chính: dạng treo, dạng đứng và dạng đứng kèm vách ngăn
Dạng treo: khi không gian sử dụng bị hạn chế, thường thiết kế ở nhà ống hoặc nhà chung cư.
Dạng đứng: khi khu vực thờ cúng được bố trí ở diện tích rộng, tủ thờ dạng đứng, đặt sát tường
Dạng đứng kèm vách ngăn: khi khu vực thờ cúng có diện tích vừa phải, phòng thờ kết hợp với không gian khác cần sự ngăn cách tương đối.
Ngoài ra gia chủ cần lưu ý việc thông gió và an toàn phòng cháy cho các hoạt động thắp hương, đốt nến trên bàn thờ.
Tấm thạch cao Yoshino là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về vật liệu an toàn cho sức khỏe, đa tính năng và tính thẩm mỹ cao trong trang trí nội thất. Giải pháp tấm thạch cao Nhật Bản là lựa chọn hoàn hảo cho gia chủ trong việc ngăn chia, trang trí và cải thiện không gian nội thất trong ngôi nhà. .
Với khả năng linh hoạt, trọng lượng nhẹ và dễ dàng thi công ,tấm thạch cao Yoshino phù hợp cho những gia đình có nhu cầu thiết kế trần thạch cao, vách ngăn thạch cao nhằm đem lại sự hài hòa về chiều cao và diện tích mà không gây áp lực lên phần móng nhà. Đặc biệt, tấm thạch cao còn có chất chống nấm mốc, giúp duy trì không gian sạch sẽ, ngăn ngừa ẩm mốc lên bề mặt vật liệu.
Hy vọng với những thông tin hữu ích về cách sắp xếp nội thất, bạn đã có thêm kiến thức và cảm hứng để có thể cải thiện không gian sống trong ngôi nhà của mình. Hành động ngay từ bây giờ! Bạn chắc chắn sẽ tạo ra một tổ ấm lý tưởng, an toàn và thoải mái cho các thành viên trong gia đình.
YOSHINO GYPSUM
Yoshino Gypsum là hãng sản xuất tấm thạch cao đến từ Nhật Bản, có lịch sử khởi nghiệp hơn 120 năm. Với tốc độ sản xuất hàng đầu thế giới, chúng tôi luôn tự hào là đơn vị không chỉ ưu việt về trình độ sản xuất mà còn dẫn đầu về công nghệ và kỹ thuật.